Hotline hỗ trợ 0934982858

Bí quyết chinh phục môn văn thi tốt nghiệp THPT

Ngày đăng: 22/06/2022 02:25 PM

    TTO - Một môn học 'khó nhằn' và hiếm khi đoán chính xác điểm thi là ngữ văn. Bởi ngoài khả năng cảm thụ văn học và vận dụng ngôn ngữ, người viết còn thỏa sức sáng tạo và tư duy trên bài thi, đôi khi lệch ra ngoài đáp án khiến điểm số không như ý.

    Chính vì vậy, để đạt điểm cao môn văn tốt nghiệp THPT, chúng ta cần nắm kỹ một số bí quyết sau đây:

    Thứ nhất, đọc và phân tích đề thật kỹ:

    Đây là yêu cầu căn bản đối với bộ môn văn. Nhận đề thi, đừng vội đặt bút viết phăng phăng trên mặt giấy mà bỏ qua khâu đọc và phân tích yêu cầu của đề. Dùng bút gạch chân, khoanh tròn các từ khóa quan trọng, xác định chính xác nội dung vấn đề nghị luận, phân biệt kỹ yêu cầu viết đoạn văn hay văn bản ngắn…

    Cấu trúc một đề thi văn tốt nghiệp THPT thường ổn định, dù vậy, hãy bình tĩnh nhận diện những yêu cầu cần đạt trong mỗi câu hỏi: trả lời thế nào, triển khai ý ra sao, xây dựng bố cục đáp án theo hướng nào sẽ hợp lý… Bước khởi động đầu tiên này cực kỳ quan trọng để bạn định hướng bài làm của mình, tránh lạc đề, thiếu ý, rườm rà và mông lung khi trình bày đáp án!

    Thứ hai, phân chia thời gian hợp lý:

    Một cái đồng hồ đeo tay thật sự cần thiết khi các bạn ngồi trong phòng thi. Nhiều bạn trẻ mắc lỗi chăm chú và say mê vào nội dung "trúng tủ" hoặc phóng bút viết ào ạt về đề tài tâm đắc rất dễ rơi vào tình huống sa đà vào câu hỏi không trọng tâm, loay hoay hoài ở bài tập ít điểm. Đến lúc giật mình ngoảnh lại thời gian còn ít ỏi thì rối tinh nên viết vội, viết cuồng dẫn đến điểm số thấp lè tè. 

    Cân chỉnh thời gian hợp lý cho từng phần, từng yêu cầu trong đề để xác định câu đọc - hiểu cần bao nhiêu phút, bài nghị luận văn học cần nhiều thời gian hơn so với nghị luận xã hội… Đây là điều then chốt để tạo nền tảng cho một bài thi xác định đúng trọng tâm, chia đều cơ hội cho tất cả các câu hỏi.

    Thứ ba, tạo dàn ý sơ giản trên giấy nháp:

    Nhiều bạn sợ mất thời gian viết nháp hoặc là tin tưởng bản thân có thể tự phác thảo ý trong đầu nên cứ cầm bút viết phăng phăng trên giấy thi. Rồi phát hiện thiếu ý, lại móc nối vào bằng câu từ chen chúc. Rồi nhận ra lạc ý, lại gạch bỏ nhem nhuốc. Rồi thỉnh thoảng xuất hiện ý hay ho và sáng tạo, chưa kịp ghi đã trôi dạt đâu đó trong dòng suy nghĩ dưới áp lực đầy vun trong phòng thi…

    Những sai lầm đáng tiếc ấy hoàn toàn có thể loại bỏ nếu bạn phác thảo ý trên nháp. Một dàn ý chi tiết hay sơ giản đến mức tối thiểu bằng mấy gạch đầu dòng nếu chẳng còn nhiều thời gian đều có thể hỗ trợ bạn men theo hệ thống luận điểm và mạch cảm xúc để khai thác tốt nhất ý tưởng cùng vốn ngôn ngữ được mài giũa qua ngày qua tháng.

    Thứ tư, chăm chút cho từng câu hỏi phần đọc - hiểu:

    Ngữ liệu đọc - hiểu với dung lượng vừa phải đi kèm với hệ thống câu hỏi với nhiều mức độ tư duy buộc bạn phải đọc chậm để thẩm thấu vấn đề gửi gắm sau từng câu chữ. Đọc kỹ để xác định yêu cầu trong từng câu hỏi đặt ra để lựa chọn phương án trả lời phù hợp.

    Chú ý trả lời đầy đủ các ý trong câu hỏi, tránh bỏ sót yêu cầu và mất điểm vô lý. Cố gắng khai thác ngữ liệu được dẫn để đưa ra phương án trả lời chỉn chu, sát đáp án. Đối với câu hỏi nhận thức, liên hệ bản thân, cần tích hợp thể hiện rõ thái độ khen chê và đưa ra thông điệp hành động rõ ràng.

    Thứ năm, xây dựng hệ thống luận điểm chắc, gọn, rõ:

    Dù là đoạn văn nghị luận xã hội hay bài văn nghị luận văn học thì việc xác lập luận điểm được ví như "xương sống" phải được ưu tiên để trình bày mạch lạc vấn đề bàn luận, phơi bày sự dụng công của người viết và thu hút ánh nhìn, sự chú ý, lời ngợi khen của giám khảo. 

    Hệ thống luận điểm chắc, gọn, rõ cùng cách chuyển ý uyển chuyển là điểm nhấn khiến bài văn của bạn không chỉ thuyết phục về mặt lập luận mà còn tạo được cảm tình với người chấm!

    Đó là một số bí quyết nho nhỏ chia sẻ cùng các bạn trẻ tuổi 18 để chinh phục môn văn trong kỳ thi sắp đến. Chúc các bạn thi tốt và đạt kết quả như mong đợi… 

    (Nguồn: Thanh Nguyễn - https://tuoitre.vn/bi-quyet-chinh-phuc-mon-van-thi-tot-nghiep-thpt-2022062209545795.htm)

    Zalo
    Hotline